Sáu dự án đủ sức đánh thức Thủ Thiêm
Năm 2000, đề án phát triển Thủ Thiêm được công bố với kỳ vọng biến bán đảo với 657ha này thành một khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào thế kỷ 21, như một “phố Đông” của Thượng Hải. Thủ Thiêm không chỉ giúp giảm tải cho khu trung tâm 930ha mà thực sự sẽ là một nơi thực hiện các chức năng mà trung tâm cũ không làm được, như là trung tâm tài chính, dịch vụ lớn của Đông Nam Á, là nơi hiện diện của các cao ốc văn phòng đa quốc gia…
Sau hơn mười năm, Thủ Thiêm không còn là bán đảo bị cô lập mà được liên thông bởi cầu Thủ Thiêm 1, hầm chui qua sông Sài Gòn, trục đường xuyên tâm và việc giải toả cơ bản đã hoàn thành, đất sạch đã sẵn sàng, nhưng tiếc thay đến nay Thủ Thiêm vẫn như một cô gái đẹp chưa chịu thức giấc.
Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đã làm chậm lại ước mơ Thủ Thiêm, nhiều tập đoàn ngoài nước, các đại gia trong nước đã lên kế hoạch đầu tư vào mảnh đất vàng này, không ít trong số đó đã có trong tay quy hoạch chi tiết, thậm chi đã có vài ba công ty đã được cấp giấy phép đầu tư (nhưng rồi cũng đã bị rút giấy phép) và cho đến nay vẫn chỉ là các bãi đất trống. Thủ Thiêm nhất định sẽ phải được tái khởi động, bởi vì Thủ Thiêm hội tụ đủ tất cả các yếu tố “thiên thời, địa lợi” hơn bất cứ mảnh đất nào còn lại của TP.HCM hiện nay.
Nhưng, bao giờ Thủ Thiêm sôi động trở lại khi các nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái tâm lý ngó nhau xem ai là người tiên phong? Ai dám chấp nhận mạo hiểm cho sự khởi đầu này? Câu trả lời rất có thể là không có ai, bởi người tiên phong phải là một nhà đầu tư với tiềm năng vô cùng lớn không chỉ về tài chính mà cả uy tín, đủ tầm lôi kéo các nhà đầu tư khác vào cuộc chơi lớn, đủ sức “phá tan băng” hút được cùng lúc các dự án đa mục tiêu.
Kinh nghiệm của các nước khác, nhất là Thái Lan, Trung Quốc cho thấy, trong tình trạng như thế nước chủ nhà phải là người khơi mào đầu tiên mà không trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, nhà đầu tư nước ngoài nào cũng nghĩ rằng “chính chủ nhà không muốn thì tại sao mình lại phải tự nguyện mạo hiểm”. Thật ra TP.HCM cũng có khá nhiều kế hoạch, dự án đầu tư vào Thủ Thiêm bằng tài chính công khá sớm, cách nay chừng 5 – 7 năm, nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa có công trình nào xuất hiện.
Biết rằng, để Thủ Thiêm trở thành phố Đông thì cần số vốn vô cùng lớn, vượt qua sức của TP.HCM, do vậy mà cần phải có những nhà đầu tư lớn. Nhưng trong giai đoạn này, người khơi dậy lại tinh thần Thủ Thiêm thì phải bắt đầu từ chính chúng ta để chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hơn thế nữa là để xoá tan suy nghĩ lâu nay là chính quyền hay thay đổi. Với những gì đang có trong tay, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng đánh thức Thủ Thiêm ngay từ hôm nay. Người dân Sài Gòn luôn chuộng cái mới và cũng thuộc loại hào phóng cho nên không có lý gì mà họ lại không đến Thủ Thiêm để xem xiếc, xem hát, xem thi đấu thể thao, xem triển lãm và dạo chơi trên quảng trường lớn, dải công viên bờ sông…
Theo chúng tôi, hiện nay ở TP.HCM có chừng sáu dự án có thể khởi công ngay ở Thủ Thiêm. Hầu hết các dự án này đã có kế hoạch tài chính, quy hoạch không gian và thiết kế công trình cũng đã được phê duyệt. Mời bạn đọc cùng điểm qua sáu dự án.